Chương V TIẾP NHẬN ĐÀO TẠO VÀ PHỤC VỤ LƯU HỌC SINH

Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc ĐHĐN

1. Ban Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị và hoàn thành các thủ tục ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc tiếp nhận LHS nước ngoài vào ĐHĐN học tập;

b) Làm đầu mối tiếp nhận và hướng dẫn, làm thủ tục nhập cảnh, lưu trú, xuất cảnh cho LHS vào học tập, thực tập tại các đơn vị thành viên thuộc ĐHĐN và thực hiện công tác quản lý chung;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng các chính sách, chế độ hỗ trợ lưu học sinh;

d) Phối hợp với Cơ quan đại diện các nước tại Việt Nam và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc tiếp nhận, quản lý LHS;

e) Kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận đào tạo, quản lý lưu học sinh của các cơ sở giáo dục, phục vụ LHS để tổng hợp, báo cáo về việc người nước ngoài học tập tại Việt Nam đến Bộ GD&ĐT.

2. Ban Công tác Học sinh Sinh viên chịu trách nhiệm:

a) Quản lý LHS theo sự phân công của Ban Giám đốc ĐHĐN;

b) Quản lý, tổ chức toàn bộ các hoạt động ngoại khóa của LHS.

3. Ban Đào tạo chịu trách nhiệm:

a) Tiếp nhận hồ sơ LHS do Ban Hợp tác quốc tế chuyển đến và thẩm định hồ sơ, kiểm tra các điều kiện tiếp nhận LHS quy định tại Điều 5, Điều 6 Quy chế này; chuyển các hồ sơ đủ điều kiện về các đơn vị thành viên để lấy ý kiến tiếp nhận; làm thủ tục trình Giám đốc ĐHĐN ra Quyết định tiếp nhận LHS;

b) Giải quyết vấn đề LHS xin chuyển ngành học, chuyển trường khi có đề nghị của Ban Hợp tác quốc tế.

4. Ban Kế hoạch Tài Chính chịu trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xét duyệt kinh phí đào tạo LHS nước ngoài theo từng học kì, năm học;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xét duyệt kinh phí đào tạo riêng đối với LHS Lào diện tỉnh gửi và tự túc theo từng học kì, năm học;

c) Đề xuất, giải quyết các vấn đề liên quan đến học phí, chi phí khác, thu chi và phân phối quản lý phí (nếu có), làm thủ túc xin cấp học bổng cho LHS diện Hiệp Định, diện do thành phố Đà Nẵng tài trợ và các diện học bổng khác.

5. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội sinh viên tổ chức các hoạt động giao lưu, ngoại khóa và tạo điều kiện cho LHS tham gia các câu lạc bộ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động khác nhằm tăng cường sự liên kết giữa sinh viên Việt nam và sinh viên nước ngoài.

6. Các đơn vị thành viên phối hợp với Ban Công tác Học sinh Sinh viên và Ban Hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề có liên quan đến người nước ngoài học tại Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 20. Trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận, phục vụ LHS

1. Đơn vị tiếp nhận đào tạo, phục vụ LHS:

a) Chịu trách nhiệm quản lý LHS trong toàn bộ thời gian LHS học tập, sinh sống ở Việt Nam;

b) Quản lí, theo dõi việc nghỉ học của LHS. Không cho phép LHS về nước nếu không có đơn xin phép và sự đồng ý của lãnh đạo của trường mà LHS đang theo học. Các trường hợp LHS nghỉ học, thôi học phải báo cáo kịp thời về Ban Hợp tác quốc tế. Trong thời gian nghỉ lễ, nghỉ hè, các phòng, đơn vị theo dõi, lập danh sách LHS về nước và LHS ở lại Việt Nam và báo cáo ĐHĐN (qua Ban Hợp tác quốc tế) để theo dõi, quản lý và báo cáo cơ quan chức năng theo yêu cầu;

c) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các việc liên quan đến LHS trong thời gian học tập, sinh sống tại Việt Nam.

2. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục tiếp nhận LHS học dự bị tiếng Việt:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, giáo trình giảng dạy tiếng Việt giao tiếp, tiếng Việt chuyên ngành theo các nhóm ngành đào tạo, trình độ đào tạo và đối tượng LHS;

b) Tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Việt khi kết thúc chương trình đào tạo dự bị, cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận cho LHS đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt;

c) Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục liên quan để bàn giao LHS sau khi hoàn thành chương trình dự bị vào học chương trình chính thức;

d) Báo cáo ĐHĐN, đơn vị tiếp nhận gửi đào tạo tiếng Việt cho LHS kết quả bàn giao và kết quả học tập, rèn luyện của LHS ngay sau khi hoàn thành chương trình đào tạo dự bị.

3. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục tiếp nhận LHS Hiệp định vào học chương trình chính thức:

a) Đảm bảo chương trình, kế hoạch và nội dung, chất lượng chuyên môn đào tạo LHS; bố trí lớp học, giảng viên hướng dẫn; theo dõi, quản lý việc học tập, nghiên cứu; cấp phát văn bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ theo thẩm quyền; kiến nghị ĐHĐN điều chỉnh quy định chung về chương trình đào tạo cho LHS trong trường hợp cần thiết;

b) Phối hợp với cơ sở giáo dục đào tạo LHS dự bị và cơ sở giáo dục do ĐHĐN chỉ định tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Việt trước khi tiếp nhận LHS vào học chính khóa nếu cần thiết;

c) Báo cáo ĐHĐN tình hình học tập và kết quả học tập, rèn luyện của LHS sau mỗi năm học và toàn khóa học.

4. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục tiếp nhận LHS tự túc:

a) Chỉ nhận đào tạo LHS tự túc đối với các ngành học mà cơ sở giáo dục được phép đào tạo;

b) Ký kết hợp đồng đào tạo với LHS tự túc;

c) Xét tuyển, ra quyết định tiếp nhận LHS học dự bị tiếng Việt và các chương trình học tập trao đổi ngắn hạn;

d) Lập hồ sơ, danh sách LHS tự túc theo các hợp đồng đào tạo đã ký kết để báo cáo ĐHĐN, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các việc liên quan đến tiếp nhận LHS tự túc;

e) Thực hiện trách nhiệm giáo dục, đào tạo theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng đào tạo;

f) Thực hiện việc quản lý thu, chi kinh phí đào tạo LHS theo quy định của ĐHĐN;

g) Gửi LHS tự túc (nếu cần) đến cơ sở giáo dục có đào tạo dự bị tiếng Việt cho LHS theo thỏa thuận và hợp đồng trực tiếp với cơ sở nhận đào tạo dự bị;

h) Báo cáo ĐHĐN kết quả tuyển sinh và kết quả học tập, rèn luyện của LHS theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này.

5. Trách nhiệm của đơn vị phục vụ LHS:

a) Chịu trách nhiệm về đời sống vật chất, sinh hoạt của LHS thuộc phạm vi quản lý;

b) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình LHS với cơ quan chủ quản trực tiếp để tổng hợp báo cáo ĐHĐN;

c) Quản lý chặt chẽ LHS (LHS) đang ở tại ký túc xá (KTX) của trường mình, lập danh sách và tiến hành làm thủ tục đăng ký tạm trú tại cơ quan công an địa phương theo đúng quy định về quản lý người nước ngoài. Sau khi đã hoàn thành việc đăng kí tạm trú, các phòng, đơn vị gửi một bản sao về ĐHĐN (qua Ban HTQT). Đối với các LHS không ở tại KTX, các phòng, đơn vị có biện pháp quản lí và nhắc nhở các LHS về việc đăng kí tạm trú tại theo quy định hiện hành.

Last updated