Chương III ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP

Điều 17. Đánh giá học phần

1. Đối với mỗi học phần, sinh viên được đánh giá qua tối thiểu hai điểm thành phần, đối với các học phần có khối lượng nhỏ hơn 02 tín chỉ có thể chỉ có một điểm đánh giá. Các điểm thành phần được đánh giá theo thang điểm 10. Phương pháp đánh giá, hình thức đánh giá và trọng số của mỗi điểm thành phần được quy định trong đề cương chi tiết của mỗi học phần. Tùy theo tính chất của học phần, điểm tổng hợp đánh giá học phần (sau đây gọi tắt là điểm học phần) được tính căn cứ vào một phần hoặc tất cả các điểm đánh giá bộ phận, trong đó điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi trường hợp và có trọng số không dưới 50%.

2. Hình thức đánh giá trực tuyến được áp dụng khi đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.

3. Riêng việc tổ chức bảo vệ và đánh giá đồ án, khóa luận theo hình thức trực tuyến được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, của Đại học Đà Nẵng và của Trường hiện hành. Việc thực hiện đánh giá trực tuyến với trọng số cao hơn khi đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

a) Việc đánh giá được thực hiện thông qua một hội đồng chuyên môn gồm ít nhất 3 thành viên;

b) Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học;

c) Diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ.

4. Việc tổ chức đánh giá quá trình học tập, trải nghiệm của sinh viên, bao gồm cả các hoạt động thực hành, thực tế, làm bài tập, trình bày báo cáo như một thành phần của học phần. Sinh viên phải tham dự đầy đủ các bài thực hành. Điểm của học phần thực hành là điểm trung bình cộng của điểm các bài thực hành trong học kỳ được làm tròn đến một chữ số thập phân.

5. Sinh viên vắng mặt trong buổi thi, đánh giá không có lý do chính đáng phải nhận điểm 0. Sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng được dự thi, đánh giá ở một đợt khác và được tính điểm lần đầu.

Điều 18. Tổ chức kiểm tra giữa kỳ và thi kết thúc học phần

1. Kiểm tra giữa kỳ:

Giảng viên phụ trách lớp học phần bố trí kiểm tra giữa kỳ trong buổi học của lớp học phần, theo kế hoạch đào tạo năm học đã được Hiệu trưởng phê duyệt.

Đối với những học phần có đề nghị của Khoa/Bộ môn tổ chức kiểm tra cùng thời gian, Phòng Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng Giáo dục bố trí lịch kiểm tra trong khoảng thời gian quy định trong kế hoạch đào tạo năm học, Khoa/Bộ môn tổ chức kiểm tra theo lịch.

2. Thi kết thúc học phần:

Cuối mỗi học kỳ Trường tổ chức một kỳ thi duy nhất để thi kết thúc học phần. Không tổ chức thi ngoài các kỳ thi đã thông báo. Không có kỳ kiểm tra lại hoặc kỳ thi lại cho những sinh viên đã dự thi không đạt yêu cầu hoặc sinh viên xin hoãn thi trong học kì đó. Hiệu trưởng quyết định những trường hợp đặc biệt cụ thể.

Kỳ thi kết thúc học phần thực hiện theo Quy định về việc tổ chức thi do Phòng Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng Giáo dục tham mưu Hiệu trưởng ký Quyết định ban hành.

Điều 19. Cách tính điểm đánh giá bộ phận, điểm học phần

1. Thang điểm đánh giá: Quy định sử dụng các thang điểm sau đây để đánh giá kết quả học tập của sinh viên:

a) Thang điểm 10 (với một số lẻ thập phân) được sử dụng để đánh giá các điểm kiểm tra học phần, điểm đánh giá thành phần, điểm thi kết thúc học phần và điểm học phần. Điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn tới một chữ số thập phân và xếp loại điểm chữ như dưới đây, trừ các trường hợp được quy định tại điểm c khoản này.

b) Thang điểm chữ được sử dụng để phân loại kết quả học tập dựa theo điểm học phần của sinh viên (xem Khoản 2, Điều này);

c) Thang điểm 4 được sử dụng khi tính điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích luỹ, để đánh giá kết quả học tập của sinh viên sau mỗi học kỳ, giai đoạn và xếp loại kết quả học tập toàn khoá của sinh viên.

2. Các loại thang điểm và cách quy đổi

a) Loại đạt có phân mức, áp dụng cho các học phần được tính vào điểm trung bình học tập và loại không đạt bao gồm:

XẾP LOẠI

Thang điểm 10

Thang điểm chữ

Thang điểm 4

Đạt

Từ 8,5 đến 10,0

A

4

Từ 7,0 đến 8,4

B

3

Từ 5,5 đến 6,9

C

2

Từ 4,0 đến 5,4

D

1

Không đạt

Dưới 4,0

F

0

b) Loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập:

P: từ 5,0 trở lên.

c) Một số trường hợp đặc biệt sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình học tập:

I: Điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi, kiểm tra;

X: Điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu;

R: Điểm học phần được miễn học và công nhận tín chỉ.

3. Việc xếp loại các mức điểm A, B, C, D, F được áp dụng cho các trường hợp sau đây:

a) Đối với những học phần mà sinh viên đã có đủ điểm đánh giá thành phần, kể cả trường hợp bỏ học, bỏ kiểm tra hoặc bỏ thi không có lý do phải nhận điểm không (0);

b) Chuyển đổi từ mức điểm I qua, sau khi đã có các kết quả đánh giá thành phần mà trước đó sinh viên được giảng viên cho phép nợ;

c) Chuyển đổi từ các trường hợp X qua.

4. Việc xếp loại ở mức điểm F, ngoài những trường hợp như đã nêu ở Khoản 3 Điều này, còn áp dụng cho trường hợp sinh viên vi phạm nội quy thi, có quyết định phải nhận mức điểm F.

5. Việc xếp loại theo mức điểm I được áp dụng cho các trường hợp sau đây:

a) Trong thời gian học hoặc trong thời gian thi kết thúc học kỳ, sinh viên bị ốm hoặc tai nạn không thể dự kiểm tra hoặc thi, nhưng phải được Trưởng khoa và Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục cho phép;

b) Sinh viên không thể dự kiểm tra bộ phận hoặc thi vì những lý do khách quan, được Trưởng Khoa và Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục chấp thuận.

Khi nhận điểm I, trừ các trường hợp đặc biệt do Hiệu trưởng quy định, trong thời gian tối đa là 2 học kỳ chính tiếp theo, sinh viên phải làm đơn đăng ký dự thi để hoàn tất học phần còn nợ. Sau khi thi, điểm I sẽ được đổi thành điểm mà sinh viên đạt được. Nếu qua hai học kỳ chính, sinh viên không đăng ký dự thi thì điểm I sẽ bị đổi thành điểm không (0).

6. Việc xếp loại theo mức điểm X được áp dụng đối với những học phần mà Phòng Đào tạo chưa có thông tin kết quả học tập của sinh viên từ các đơn vị liên quan.

7. Ký hiệu R được áp dụng cho các trường hợp sau:

a) Điểm học phần được đánh giá ở các mức điểm A, B, C, D trong đợt đánh giá đầu học kỳ (nếu có) đối với một số học phần được phép thi sớm để giúp sinh viên học vượt.

b) Những học phần được miễn học và công nhận tín chỉ theo quy định của Trường.

Điều 20. Đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học

1. Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá sau từng học kỳ hoặc sau từng năm học, dựa trên kết quả các học phần nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo mà sinh viên đã học và có điểm theo các tiêu chí sau đây:

a) Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên không đạt trong một học kỳ, trong một năm học, hoặc nợ đọng từ đầu khoá học;

b) Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên đã đạt từ đầu khóa học (số tín chỉ tích lũy), tính cả các học phần được miễn học, được công nhận tín chỉ;

c) Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một học kỳ (điểm trung bình học kỳ), trong một năm học (điểm trung bình năm học) hoặc tính từ đầu khóa học (điểm trung bình tích lũy), tính theo điểm chính thức của học phần và trọng số là số tín chỉ của học phần đó.

2. Điểm cuối cùng để đánh giá một học phần được gọi là điểm học phần. Điểm học phần được xác định dựa trên kết quả học tập toàn diện của sinh viên trong suốt học kỳ đối với học phần đó thông qua các điểm đánh giá bộ phận.

3. Điểm đánh giá học phần bao gồm điểm thi kết thúc học phần và các điểm đánh giá khác sau:

a) Điểm kiểm tra giữa kỳ;

b) Điểm đánh giá phần thực hành (nếu có);

c) Điểm tiểu luận, bài tập lớn (nếu có);

d) Điểm đánh giá năng lực hoặc nhận thức của sinh viên trong các buổi thảo luận, thuyết trình (nếu có);

e. Điểm chuyên cần (nếu có).

4. Điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi trường hợp và phải có trọng số không dưới 50%. Trọng số các điểm bộ phận của một học phần được quy định như sau:

a) Điểm thi kết thúc học phần: từ 50% đến 70%

b) Tất cả các điểm bộ phận khác: từ 30% đến 50%

Việc lựa chọn các hình thức đánh giá, các loại điểm thành phần và trọng số của chúng do Khoa đề xuất và Hiệu trưởng phê duyệt. Các thông tin này phải ghi rõ trong đề cương chi tiết của học phần và được công bố công khai cho sinh viên.

Các điểm đánh giá thành phần và điểm thi kết thúc học phần tính theo thang điểm 10, làm tròn đến một chữ số thập phân.

5. Điểm học phần theo thang điểm 10 được tính theo công thức sau:

Trong đó:

a - là điểm học phần theo thang điểm 10, làm tròn đến một chữ số thập phân;

pi - là điểm thành phần thứ i của học phần;

ki - là hệ số của điểm thành phần thứ i;

N - là số lượng các điểm thành phần (bao gồm cả điểm thi kết thúc học phần).

6. Điểm học phần tính theo thang điểm chữ được quy định tại Khoản 2, Điều 20.

7. Khoá luận tốt nghiệp là một học phần đặc biệt, cách đánh giá học phần này quy định tại Điều 26 của Quy chế này.

8. Điểm trung bình chung (ĐTBC) bao gồm điểm trung bình chung học kỳ (ĐTBCHK) và điểm trung bình chung tích lũy (ĐTBCTL). Điểm trung bình chung được tính từ mức điểm chữ của mỗi học phần. Các bước tính như sau:

a) Quy đổi các điểm học phần từ thang điểm chữ sang thang điểm 4 (xem Khoản 2, Điều 19);

b) Tính điểm trung bình chung theo công thức sau và làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Trong đó:

A là điểm trung bình chung học kỳ hoặc điểm trung bình chung tích lũy

ai là điểm của học phần thứ i theo thang điểm 4

ni là số tín chỉ của học phần thứ i

n là tổng số học phần tính điểm trung bình chung:

- Khi tính điểm trung bình chung học kỳ, n bao gồm cả các học phần được đánh giá đạt và không đạt: có mức điểm chữ là A, B, C, D và F;

- Khi tính điểm trung bình chung tích luỹ, n chỉ gồm các học phần được đánh giá đạt: có mức điểm chữ là A, B, C và D (xem Khoản 2, Điều 19);

- Không tính kết quả thi các học phần Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất vào điểm trung bình học tập hoặc điểm trung bình tích lũy. Việc đánh giá kết quả và điều kiện cấp chứng chỉ đối với học phần này theo quy định riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Điểm trung bình chung và điều kiện để được xét cấp học bổng:

a) Điểm trung bình chung học kỳ để xét học bổng được tính theo công thức nêu trong điểm b Khoản 8 của Điều này (tính ở lần thi thứ nhất). Tuy vậy, ai là điểm của học phần thứ i tính theo thang điểm 10 làm tròn đến một chữ số thập phân (xem Khoản 5 của Điều này).

b) Để được xét cấp học bổng, ngoài kết quả học tập (thể hiện qua ĐTBCHK), sinh viên cần phải đảm bảo được tiến độ học tập trung bình của chuyên ngành đào tạo và cấp học thể hiện qua số lượng tín chỉ mà sinh viên đã đăng ký học và đạt tích lũy sau từng học kỳ.

c) Số lượng tín chỉ để xét học bổng phụ thuộc vào khung chương trình đào tạo của từng chuyên ngành. Hiệu trưởng sẽ quy định số lượng tín chỉ mà sinh viên phải đăng ký học trong mỗi học kỳ để được xét cấp học bổng. Tổng số lượng tín chỉ quy định cho các học kỳ trong khoá học, phải bằng số lượng tín chỉ toàn khoá học của mỗi chuyên ngành đào tạo.

10. Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy như sau:

Loại

Thang điểm 4

Thang điểm 10

Xuất sắc

Từ 3,6 đến 4,0

Từ 9,0 đến 10,0

Giỏi

Từ 3,2 đến cận 3,6

Từ 8,0 đến cận 9,0

Khá

Từ 2,5 đến cận 3,2

Từ 7,0 đến cận 8,0

Trung bình

Từ 2,0 đến cận 2,5

Từ 5,0 đến cận 7,0

Yếu

Từ 1,0 đến cận 2,0

Từ 4,0 đến cận 5,0

Kém

Dưới 1,0

Dưới 4,0

Điều 21. Xếp hạng năm đào tạo và học lực sinh viên

1. Sinh viên được xếp trình độ năm học căn cứ số tín chỉ tích lũy được từ đầu khóa học (gọi tắt là N) và số tín chỉ trung bình một năm học theo kế hoạch học tập chuẩn (gọi tắt là M), cụ thể như sau:

Xếp hạng năm đào tạo

Giá trị tỷ số N

Trình độ năm thứ nhất

N < M

Trình độ năm thứ hai

M ≤ N < 2M

Trình độ năm thứ ba

2M ≤ N < 3M

Trình độ năm thứ tư

3M ≤ N < 4M

Trình độ năm thứ năm

4M ≤ N < 5M

Trình độ năm thứ sáu

5M ≤ N < 6M

Trình độ năm thứ bảy

6M ≤ N < 7M

Trình độ năm thứ tám

7M ≤ N < 8M

2. Sau mỗi học kỳ, căn cứ vào điểm trung bình chung tích luỹ, sinh viên được xếp hạng học lực như sau:

a) Hạng bình thường: Nếu điểm trung bình chung tích luỹ đạt từ 2,0 (thang điểm 4,0) trở lên.

b) Hạng yếu: Nếu điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 2,0 (thang điểm 4,0) nhưng chưa thuộc diện buộc thôi học.

3. Kết quả học tập trong học kỳ hè được gộp vào kết quả học tập trong học kỳ chính ngay trước học kỳ hè để xếp hạng sinh viên về học lực.

Điều 22. Xử lý kết quả học tập

1. Cuối mỗi học kỳ chính, sinh viên bị cảnh báo học tập dựa trên một số điều kiện như sau:

a) Tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng đã đăng kí học trong học kỳ, hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24;

b) Điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,0 đối với các học kỳ tiếp theo;

c) Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 đối với sinh viên trình độ năm thứ nhất, dưới 1,4 đối với sinh viên trình độ năm thứ hai, dưới 1,6 đối với sinh viên trình độ năm thứ ba hoặc dưới 1,8 đối với sinh viên các năm tiếp theo.

2. Sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:

a) Sinh viên vượt quá 02 lần cảnh báo liên tiếp;

b) Vượt quá thời gian tối đa được phép học tại Trường quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Quy chế này;

c) Không đăng ký tín chỉ nào trong một học kỳ chính;

d) Các điểm thành phần của tất cả học phần đã đăng ký đạt điểm 0;

e) Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định hoặc bị kỷ luật ở mức xóa tên khỏi danh sách sinh viên của Trường;

f) Quá thời gian được tạm ngưng học tập nhưng sinh viên không làm thủ tục quay trở lại học tập thì xem như sinh viên tự ý bỏ học.

3. Chậm nhất là một tháng sau khi sinh viên có quyết định buộc thôi học, trường phải thông báo trả về địa phương nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú. Trường hợp tại trường sinh viên đã học hoặc tại những trường khác có các chương trình đào tạo ở trình độ thấp hơn hoặc chương trình giáo dục thường xuyên tương ứng, thì những sinh viên thuộc diện bị buộc thôi học quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản 2, được quyền xin xét chuyển qua các chương trình đó và được bảo lưu một phần kết quả học tập ở chương trình cũ khi học ở các chương trình mới này.

4. Sinh viên bị buộc thôi học được phép bảo lưu kết quả học tập đã tích lũy trong thời gian do Trường quy định. Số tín chỉ được bảo lưu không quá 50% khối lượng chương trình đào tạo. Hiệu trưởng xem xét quyết định cho bảo lưu kết quả học tập đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 23. Công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ

1. Kết quả học tập của người học đã tích lũy từ một trình độ đào tạo khác, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo khác, một khóa học khác hoặc từ một cơ sở đào tạo khác được Trường xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo theo học.

2. Hội đồng chuyên môn của Trường xem xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức đánh giá học phần và các điều kiện đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình theo các cấp độ:

a) Công nhận, chuyển đổi theo từng học phần;

b) Công nhận, chuyển đổi theo từng nhóm học phần;

c) Công nhận, chuyển đổi theo cả chương trình đào tạo.

3. Khối lượng tối đa được công nhận, chuyển đổi không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo; riêng đối với ngành đào tạo giáo viên thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Last updated