CHƯƠNG II QUY TRÌNH TỔ CHỨC THI

Điều 4: Kỳ thi và hình thức thi

1. Cuối mỗi học kỳ, nhà trường tổ chức một kỳ thi KTHP, không tổ chức kỳ thi phụ (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt sẽ do Hiệu trưởng quyết định). Không có kỳ thi lại cho những sinh viên đã dự thi không đạt yêu cầu hoặc sinh viên xin hoãn thi trong học kỳ đó. Đối với những sinh viên đã dự thi không đạt yêu cầu, phải đăng ký học lại học phần đó ở một trong các học kỳ tiếp theo cho đến khi đạt điểm A, B, C hoặc D. Đối với những sinh viên xin hoãn thi, trong thời gian tối đa là 02 học kỳ chính tiếp theo sinh viên phải làm đơn đăng ký dự thi để hoàn tất học phần còn nợ.

2. Thời gian dành cho ôn thi KTHP tỷ lệ thuận với số tín chỉ của học phần đó, đảm bảo ít nhất là 2/3 ngày cho một tín chỉ.

3. Kỳ thi KTHP có thể được thực hiện bằng hình thức thi viết (tự luận, trắc nghiệm, kết hợp tự luận và trắc nghiệm), thi vấn đáp, làm tiểu luận hoặc bài tập lớn.

4. Việc lựa chọn hình thức thi phải phù hợp với đề cương chi tiết học phần đã được Hiệu trưởng phê duyệt. Hình thức thi được công bố công khai cho sinh viên ngay khi bắt đầu học phần. Trong trường hợp cần thay đổi hình thức thi, Bộ môn cần lập văn bản đề nghị, có ý kiến của lãnh đạo khoa và gửi về Phòng Đào tạo để trình Ban Giám hiệu xem xét, phê duyệt trước kế hoạch thi 10 tuần như đã công bố trong kế hoạch đào tạo hàng năm được Nhà trường và Đại học Đà Nẵng phê duyệt.

Điều 5: Điều kiện để được dự thi kết thúc học phần

1. Căn cứ vào các yêu cầu đối với sinh viên và được quy định trong đề cương chi tiết của học phần. Nếu sinh viên không đủ điều kiện dự thi, giảng viên giảng dạy lớp học phần có trách nhiệm gửi “Danh sách sinh viên không đủ điều kiện dự thi” (theo mẫu) về Phòng KT&ĐBCLGD ít nhất 01 tuần trước kỳ thi. Phòng KT&ĐBCLGD sẽ tổng hợp danh sách sinh viên theo từng khoa và gửi về cho khoa để khoa xử lý không cho thi đối với các sinh viên có tên trong danh sách.

2. Sinh viên phải hoàn thành việc đóng học phí đúng thời hạn theo quy định của nhà trường. Một tuần trước kỳ thi, Phòng KHTC có trách nhiệm gửi “Danh sách sinh viên chưa đóng học phí” (theo mẫu) về các khoa (đối với môn riêng) và về Phòng KT&ĐBCLGD (đối với môn chung), để đơn vị chủ trì xử lý không cho thi đối với các sinh viên có tên trong danh sách.

Điều 6: Hoãn thi kết thúc học phần

1. Trong trường hợp đột xuất không thể đến thi một học phần nào đó (sự cố đột xuất như ốm đau, sự cố trên đường đến trường), sinh viên phải nộp đơn (theo mẫu) kèm minh chứng (ví dụ: giấy ra viện,...) cho Phòng Đào tạo (ĐT) trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày thi của học phần đó để được xem xét nhận điểm I. Quyết định cho nhận điểm I hay không, do Phòng ĐT căn cứ vào các minh chứng mà sinh viên cung cấp. Nếu không có đơn hoặc minh chứng không thuyết phục, sinh viên sẽ phải nhận điểm F.

2. Sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng (như tại điểm 1 Điều 6) sẽ không phải học lại học phần và được dự thi KTHP vào học kỳ kế tiếp khi học phần này được mở hoặc dự thi ngay trong cùng học kỳ đó với các lớp khác có cùng mã học phần. Để được dự thi lại, sinh viên cần làm đơn (theo mẫu) nộp về Phòng ĐT trước ngày thi ít nhất là 07 ngày làm việc. Phòng ĐT kiểm tra và đưa tên sinh viên vào danh sách dự thi.

Điều 7. Lịch thi

1. Trước kỳ thi 10 tuần, giáo vụ khoa sẽ được Phòng ĐT phân quyền trên hệ thống tác nghiệp để thiết lập hình thức thi của các học phần do khoa quản lý và đã được quy định trọng đề cương chi tiết của các học phần (đề mở, thời gian làm bài, không xếp lịch vì làm tiểu luận, thuyết trình thay thế cho thi KTHP…). Giáo vụ khoa có 01 tuần để thực hiện công việc này. Sau thời gian đó, Phòng KT&ĐBCLGD sẽ căn cứ thông tin trên hệ thống quản lý đào tạo để sắp xếp lịch thi.

2. Trước kỳ thi 08 tuần, Phòng KT&ĐBCLGD gửi lịch thi đến các khoa, Phòng ĐT, Phòng KHTC, Phòng Công tác sinh viên (CTSV), Phòng Thanh tra Pháp chế (TTPC), Phòng Cơ sở vật chất (CSVC), Phòng Tổ chức Hành chính (TCHC) ; Phòng ĐT thông báo đến sinh viên qua tài khoản của sinh viên để các em có kế hoạch ôn tập.

3. Đường link của lịch thi chính thức được: (1) đăng tải tại mục Công tác khảo thí trên trang thông tin điện tử của Phòng KT&ĐBCLGD tại địa chỉ http://ktdbclgd.ufl.udn.vn, (2) thông báo tại mục Công tác khảo thí trên website của nhà trường do Phòng TCHC đăng tải và (3) Phòng ĐT đăng tại trang dành cho sinh viên http://daotao.ufl.udn.vn/sv

4. Lịch thi là cơ sở để các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức thực hiện tốt kỳ thi.

Điều 8. Lập danh sách, phân phòng thi

1. Khi lập lịch thi, Phòng KT&ĐBCLGD tạo danh sách sinh viên dự thi theo hình thức trộn danh sách các lớp và xếp tên sinh viên theo thứ tự trong bảng chữ cái (căn cứ trên số sinh viên thực tế của các lớp học phần, chưa tính đến những trường hợp có khả năng không được dự thi như quy định tại Điều 5). Số lượng mỗi phòng thi hợp lý theo quy mô của phòng, đảm bảo tính nghiêm túc và khách quan trong thi cử.

2. Danh sách phòng thi được chuyển cho các khoa ít nhất là 04 tuần trước kỳ thi để các khoa tiến hành công tác in sao đề thi theo số lượng trong danh sách.

3. Đối với các môn đặc thù cần nhiều phòng thi cho công tác chuẩn bị (ví dụ môn Phiên dịch, Vấn đáp), khoa cần thông báo bằng văn bản cho Phòng KT&ĐBCLGD biết để chủ động phân phòng thi.

Điều 9. Phân công cán bộ coi thi

1. Đối với các môn riêng do khoa phụ trách, căn cứ lịch thi và số lượng phòng thi, các khoa tiến hành cử cán bộ coi thi (CBCT). Lãnh đạo Khoa chịu trách nhiệm cử CBCT theo đúng số lượng quy định tại Điều 10 thuộc chương này, lập “Danh sách cán bộ coi thi” (theo mẫu) gửi về Phòng KT&ĐBCLGD và Phòng TT-PC ít nhất 02 tuần trước kỳ thi. Trong trường hợp các khoa không có đủ CBCT, cần thông báo bằng văn bản cho Phòng KT&ĐBCLGD ít nhất 02 tuần trước kỳ thi. Phòng KT&ĐBCLGD sẽ liên hệ Phòng TCHC mời CBCT từ các đơn vị khác bổ sung cho khoa.

2. Đối với các môn chung, Phòng KT&ĐBCLGD liên hệ với các CSGDĐHTV để mời các giảng viên của các khoa có liên quan tham gia coi thi. Nếu còn thiếu, Phòng KT&ĐBCLGD mời thêm cán bộ viên chức, giảng viên trong trường tham gia coi thi.

Điều 10. Số lượng và tiêu chuẩn cán bộ coi thi

1. Đối với các môn thi làm bài trên giấy (bao gồm tự luận, trắc nghiệm,..), số lượng CBCT như sau

Số lượng sinh viên trong phòng thi

Số lượng cán bộ coi thi

1 - 40

01

41 - 80

02

81 - 120

03

>120

04

2. Cán bộ coi thi là giảng viên hoặc viên chức có bằng cử nhân trở lên. CBCT cần nắm vững và thực hiện đúng các quy định, quy trình về việc tổ chức thi KTHP.

3. Đối với các môn thi vấn đáp, mỗi phòng bố trí 02 CB chấm thi (CBChT) là giảng viên, đủ chuẩn theo quy định về cán bộ chấm thi. Một phòng thi không quá 40 sinh viên.

4. Trong trường hợp một buổi thi có nhiều phòng thi, đơn vị chủ trì (Khoa / Phòng KT&ĐBCLGD) quyết định phân công thêm cán bộ giám sát bên ngoài để hỗ trợ CBCT. Trung bình, cứ mỗi 05 phòng thi sẽ có 01 cán bộ giám sát do đơn vị chủ trì quyết định phân công.

Điều 11. Trách nhiệm của sinh viên dự thi

1. Sinh viên phải có mặt tại phòng thi trước giờ thi ít nhất là 15 phút.

2. Sinh viên đến muộn quá 15 phút sau khi đề thi đã được mở thì sẽ không được dự thi và nhận điểm 0 cho học phần đó.

3. Sinh viên vắng mặt có lý do trong kỳ thi được bảo lưu các điểm thành phần của học phần và được dự thi ở 1 kỳ thi tiếp theo gần nhất theo quy định.

4. Sinh viên vắng mặt trong kỳ thi mà không có lý do chính đáng hoặc đi nhầm ca thi được xem như bỏ thi và bị điểm 0. Sinh viên phải học lại học phần này mới được dự thi kỳ thi tiếp theo.

5. Khi vào phòng thi, sinh viên phải tuân thủ các quy định sau đây:

- Trình thẻ sinh viên;

- Chỉ mang vào phòng thi những học cụ được cho phép;

- Ghi đầy đủ mã sinh viên, số báo danh của sinh viên và các thông tin cần thiết vào giấy thi;

- Không được đổi đề thi hay mã đề thi; không được trao đổi, không được sử dụng tài liệu (trừ khi đề thi cho phép sử dụng tài liệu); không được chuyển giấy nháp và bài thi cho sinh viên khác;

- Phải bảo vệ bài làm của mình. Mọi hành vi gian lận trong phòng thi sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 30, Chương VII của Quy định này;

- Ghi đầy đủ thông tin về mã đề thi theo quy định vào tờ giấy làm bài và danh sách ký tên. Nếu sinh viên không ghi đầy đủ mã đề thi, bài thi sẽ không được chấm và sinh viên phải nhận điểm 0;

- Bài làm phải viết rõ ràng, sạch sẽ. Không viết bằng bút chì, mực đỏ, không dùng bút xóa. Làm bài theo đúng quy định và hướng dẫn cụ thể trên đề thi: làm bài vào tờ giấy thi, làm ngay trên đề thi, hoặc làm trên phiếu trả lời trắc nghiệm do cán bộ coi thi phát và đã có chữ ký của cán bộ coi thi;

- Trong suốt quá trình làm bài, sinh viên phải giữ trật tự, không được ra khỏi phòng thi trừ trường hợp đặc biệt bất khả kháng;

- Sinh viên chỉ được nộp bài, rời phòng thi sớm nhất sau 2/3 thời gian làm bài. Riêng đối với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ được phép rời phòng thi khi đã hết giờ làm bài;

- Khi hết giờ phải ngừng làm bài và nộp bài làm cho CBCT kể cả khi không làm được bài;

- Khi nộp bài, sinh viên phải ký xác nhận số tờ giấy làm bài vào danh sách nộp bài tại phòng thi.

Điều 12: Trách nhiệm của cán bộ coi thi

1. Trách nhiệm của cán bộ coi thi viết

- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu nghiệp vụ coi thi nhằm đảm bảo yêu cầu chính xác, công bằng trong phòng thi bao gồm việc kiểm tra giấy tờ của sinh viên, thống kê sinh viên có mặt, số sinh viên vắng, chữ ký sinh viên và số bài, số tờ làm bài của sinh viên.

- Trong trường hợp SV tự mang giấy nháp vào phòng, SV phải ký và ghi tên lên tờ giấy nháp trắng của mình, cán bộ coi thi được phân công tại phòng thi cần ký xác nhận lên giấy nháp để đảm bảo giấy nháp là giấy trắng. Các loại giấy nháp không có chữ ký của CBCT sẽ được xem là tài liệu, kể cả giấy trắng.

- Trong thời gian sinh viên làm bài thi, CBCT phải có mặt thường xuyên tại phòng thi và tuyệt đối không làm việc riêng, không sử dụng điện thoại, không nói chuyện; nếu có 2 CBCT trong một phòng thì cần ngồi đúng vị trí, tuyệt đối 2 người không ngồi gần nhau để nói chuyện riêng.

- CBCT không cho sinh viên ra khỏi phòng thi trong lúc đang thi, trừ trường hợp đặc biệt bất khả kháng;

- Trước khi hết giờ làm bài thi 15 phút, CBCT thông báo cho sinh viên biết;

- Việc thu bài tại phòng thi cần được thực hiện một cách chính xác, tránh nhầm lẫn, thiếu sót hay mất bài thi của sinh viên;

- CBCT cần thống kê đầy đủ số lượng SV dự thi và số lượng SV vắng thi vào dòng cuối cùng trong danh sách ký tên của SV;

- Lập biên đối với mỗi trường hợp SV vi phạm quy chế thi và đề xuất hình thức xử lý trong biên bản;

- Đối với các môn riêng do khoa chủ trì, CBCT bàn giao bài thi, đề thừa và các biên bản liên quan về cho giáo vụ khoa làm nhiệm vụ thư ký buổi thi;

- Đối với các môn chung do Phòng KT&ĐBCLGD chủ trì, CBCT nộp bài thi, đề thừa và các biên bản liên quan cho thư ký buổi thi của Phòng KT&ĐBCLGD;

- Việc giao nộp bài thi giữa CBCT và thư ký buổi thi phải được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình nhằm tránh thất lạc bài thi.

2. Trách nhiệm của cán bộ chấm thi vấn đáp

- Cả 02 CBChT cùng tiến hành chấm thi vấn đáp, không chia tách sinh viên thành hai nhóm để chấm riêng;

- Kết quả cuối cùng là điểm trung bình cộng của 02 CBChT. Trong trường hợp 02 CBChT không thống nhất được điểm thì phải trình lên Trưởng bộ môn quyết định;

- Toàn bộ tài liệu liên quan (đề thi, biên bản chấm thi, đề thi thừa, danh sách sinh viên ký tên) được đặt trong túi đựng bài thi và nộp cho giáo vụ khoa ngay sau khi kết thúc buổi thi;

- Việc giao nộp bài thi giữa CBChT và thư ký buổi thi phải được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình nhằm tránh thất lạc bài thi.

3. Trách nhiệm của cán bộ coi thi trên máy tính

- Áp dụng quy theo quy chế cụ thể đối với hình thức thi trên máy tính.

Điều 13. Tổ chức coi thi, giám sát kỳ thi kết thúc học phần

1. Phòng KT&ĐBCLGD tổ chức coi thi các môn chung.

2. Các khoa tổ chức coi thi đối với các môn riêng.

3. Phòng KT&ĐBCLGD phối hợp với Phòng TTPC giám sát toàn bộ quá trình tổ chức thi. Trong mỗi buổi thi, sẽ có 01 cán bộ của Phòng TTPC và 01 cán bộ của Phòng KT&ĐBCLGD làm công tác giám sát.

4. Kết thúc buổi thi, cán bộ giám sát ghi ý kiến nhận xét về tình hình buổi thi vào “Biên bản theo dõi tình hình thi” (theo mẫu) và lưu tại Phòng KT&ĐBCLGD.

5. Cuối kỳ thi, các Khoa làm báo cáo tình hình tổ chức thi các HP do Khoa tổ chức, Phòng KT&ĐBCLGD tổng hợp tình hình thi dựa trên các báo cáo của Khoa, kèm theo tình hình tổ chức thi các HP môn chung bao gồm: những mặt đã làm được, những sự cố (nếu có), kiến nghị đề xuất để báo cáo Ban Giám hiệu. Phòng TTPC làm báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế thi của các khoa để báo cáo Ban Giám hiệu.

Điều 14: Chuẩn bị phòng thi và trang thiết bị

1. Phòng KT&ĐBCLGD ưu tiên sắp xếp phòng thi tại 01 địa điểm -131 Lương Nhữ Hộc - để thuận tiện cho công tác điều hành, tổ chức thi.

2. Đối với những môn thi có đặc thù riêng, 02 tuần trước khi thi, Lãnh đạo Khoa làm đề nghị gửi Phòng KT&ĐBCLGD để có sự bố trí, sắp xếp phòng thi phù hợp.

3. Dựa trên lịch thi, Phòng TCHC kiểm tra thực tế tình hình bàn ghế tại phòng thi và trang thiết bị phục vụ kỳ thi. Phòng CSVC sửa chữa kịp thời các trang thiết bị (nếu cần thiết).

4. Phòng TCHC phân công nhân viên phục vụ làm vệ sinh phòng thi trước mỗi buổi thi, mở cửa tất cả các phòng thi trước giờ thi ít nhất là 30 phút.

5. Đối với việc thi trắc nghiệm trên máy tính, đơn vị tổ chức liên hệ Phòng TCHC để nhân viên kỹ thuật của Phòng TCHC có trách nhiệm chuẩn bị phòng thi đáp ứng các yêu cầu của học phần thi, đảm bảo số lượng sinh viên dự thi trên tổng số máy tính hoạt động không quá 90% và trực hỗ trợ kỹ thuật trong suốt thời gian tổ chức thi.

Last updated