Chương III ĐÀO TẠO VÀ QUẢN LÝ LƯU HỌC SINH
Điều 10. Học dự bị
1. LHS chưa đủ trình độ tiếng Việt để học chương trình đào tạo chính thức bằng tiếng Việt thì phải học dự bị tiếng Việt. ĐHĐN bố trí LHS Hiệp định, LHS học bổng khác, LHS tự túc vào học dự bị tiếng Việt tại Trường Đại học Sư phạm hoặc Cơ sở đào tạo tiếng Việt có thẩm quyền.
Việc học bổ sung kiến thức chuyên ngành để đạt yêu cầu được vào học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (nếu cần) do đơn vị tiếp nhận đào tạo tổ chức thực hiện cho LHS trong thời gian tối đa là 01 năm học sau khi LHS hoàn thành và tốt nghiệp khóa học dự bị tiếng Việt.
2. Thời gian học dự bị tiếng Việt đối với LHS Hiệp định thực hiện theo thông báo, đề nghị từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc phía gửi đào tạo; đối với LHS học bổng khác và LHS tự túc thực hiện theo Hợp đồng đào tạo.
3. Sau khi kết thúc khóa học dự bị, lưu học sinh phải tham dự kiểm tra trình độ tiếng Việt, nếu đạt yêu cầu sẽ được chuyển vào học chương trình chính thức; nếu không đạt yêu cầu thì phải tiếp tục học bổ sung và dự đợt kiểm tra khác đến khi đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ để được chuyển vào học chương trình chính thức.
Điều 11. Điều kiện được xét học thẳng chương trình chính thức
1. LHS có chứng chỉ trình độ tiếng Việt đạt yêu cầu quy định, LHS đã tốt nghiệp các cấp học ở giáo dục phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ bằng tiếng Việt và có đủ điều kiện về sức khỏe và tuổi, học vấn, chuyên môn quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy chế này được xét vào học thẳng chương trình chính thức.
2. LHS đạt yêu cầu về trình độ ngôn ngữ của chương trình đào tạo được thực hiện bằng ngôn ngữ đó, có đủ điều kiện về học vấn, chuyên môn, sức khỏe và tuổi quy định tại Điều 5, Điều 6 của Quy chế này được xét vào học thẳng chương trình chính thức.
Điều 12. Các môn học không bắt buộc đối với LHS
1. LHS học chương trình trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được miễn áp dụng chuẩn ngoại ngữ đầu ra như quy định đối với công dân Việt Nam học các chương trình đào tạo tương ứng giảng dạy bằng tiếng Việt.
Trong quá trình đào tạo, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận xem xét việc tổ chức giảng dạy môn tiếng Việt nâng cao thay thế các môn ngoại ngữ cho LHS.
2. LHS học chương trình trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học được miễn học môn Giáo dục quốc phòng - an ninh và được lựa chọn học môn học thay thế bao gồm: tiếng Việt nâng cao, Văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam hoặc các môn tự chọn khác do thủ trưởng cơ sở giáo dục đào tạo quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị.
3. Quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng đối với trường hợp LHS được tiếp nhận vào học các chuyên ngành về quốc phòng - an ninh.
Điều 13. Thời gian đào tạo và những thay đổi trong quá trình đào tạo
1. Thời gian học tập để lấy văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận:
a) Thời gian học tập theo các cấp học và trình độ đào tạo được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hiện hành liên quan;
b) Thời gian bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian thực tập đối với thực tập sinh thực hiện theo thỏa thuận giữa đơn vị tiếp nhận với phía gửi đào tạo.
2. Điều kiện để rút ngắn hay kéo dài thời gian học tập:
a) LHS được rút ngắn thời gian đào tạo nhưng phải hoàn thành nội dung của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành;
b) LHS Hiệp định không được tự ý kéo dài thời hạn học tập, nghiên cứu; trường hợp cần kéo dài thời hạn để hoàn thành chương trình đào tạo, bao gồm cả thời gian học dự bị thì phải báo cáo phía gửi đào tạo, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận nơi LHS đang học tập để có ý kiến đề nghị và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý bằng văn bản;
c) Đối với lưu học sinh học bổng khác và lưu học sinh tự túc, việc kéo dài thời gian học tập thực hiện theo thỏa thuận với cơ sở giáo dục nơi LHS đang học tập.
3. Tạm dừng học:
a) LHS Hiệp định được tạm dừng học tối đa 01 năm học nếu có lý do chính đáng được phía gửi đào tạo, đơn vị tiếp nhận đồng ý và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép bằng văn bản;
b) Thời gian tạm dừng học đối với LHS học bổng khác, LHS tự túc thực hiện theo thỏa thuận với đơn vị tiếp nhận.
4. Chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục:
a) LHS Hiệp định không được tự ý chuyển ngành học hoặc chuyển cơ sở giáo dục. LHS chỉ được chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục khi phía gửi đào tạo, đơn vị tiếp nhận có văn bản đồng ý gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ ra quyết định cho phép. Việc chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục chỉ thực hiện một lần và chỉ áp dụng đối với LHS theo học từ trình độ cao đẳng trở lên;
b) Việc chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục của LHS học bổng khác và LHS tự túc thực hiện theo thỏa thuận với đơn vị tiếp nhận.
Điều 14. Kinh phí đào tạo
1. Đối với lưu học sinh Hiệp định:
a) Tiêu chuẩn, chế độ, suất chi đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và Hiệp định, Thỏa thuận ký kết giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo;
b) Lưu học sinh phải kéo dài thời gian học tập để hoàn thành chương trình đào tạo vì lý do chuyển ngành học, thay đổi cơ sở giáo dục, do cá nhân LHS học tập không đạt yêu cầu nên không đảm bảo tiến độ học tập theo quy định thì trong thời gian kéo dài không được hưởng các chế độ học bổng đang hưởng. Toàn bộ chi phí phát sinh từ việc kéo dài thời gian học tập do phía nước ngoài gửi đào tạo và LHS tự chi trả;
c) Lưu học sinh tạm dừng học thì trong thời gian tạm dừng học không được hưởng các chế độ học bổng đang hưởng. Sau thời gian tạm dừng học nếu LHS đủ điều kiện được cơ sở giáo dục tiếp nhận vào học tiếp thì được tiếp tục hưởng các chế độ học bổng. Tổng thời gian học tập được cấp học bổng thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này.
2. Đối với lưu học sinh học bổng khác:
Kinh phí đào tạo đối với lưu học sinh học bổng khác thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo ký kết giữa tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng hoặc cá nhân lưu học sinh với đơn vị tiếp nhận.
3. Đối với lưu học sinh tự túc:
Mức học phí đối với LHS tự túc được thực hiện theo hợp đồng đào tạo ký kết giữa đơn vị tiếp nhận với LHS. LHS chịu mọi chi phí phát sinh khác trong quá trình học tập tại Việt Nam.
Riêng đối với LHS Lào, mức học phí do Giám đốc ĐHĐN quyết định, thống nhất trong toàn ĐHĐN.
Điều 15. Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh
LHS phải thực hiện đăng ký, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh tại địa chỉ http://lhsnn.vied.vn chậm nhất 30 ngày sau khi đến Việt Nam nhập học và cập nhật thông tin hằng năm hoặc khi có sự thay đổi.
Điều 16. Chế độ báo cáo
Các đơn vị thành viên gửi báo cáo về công tác tiếp nhận đào tạo LHS nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục II) về ĐHĐN (qua Ban Hợp tác quốc tế) trước ngày 15 tháng 12 hàng năm (một bản cứng và một bản mềm qua email) để phối hợp theo dõi, quản lý chung; đôn đốc lưu học sinh do đơn vị tiếp nhận đào tạo thực hiện đăng ký, cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý LHS quy định tại Điều 14 của Quy chế này.
Last updated