Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là số tiền người sử dụng dịch vụ phải trả cho từng dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: học phí (theo các cấp học và trình độ đào tạo) và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (giá dịch vụ tuyển sinh; giá dịch vụ kiểm định chất lượng giáo dục; giá cấp phát các loại phôi văn bằng, chứng chỉ; giá dịch vụ hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực thông qua việc nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội; giá dịch vụ điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực thông qua việc kết nối cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động nhằm khai thác các nguồn lực cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; giá dịch vụ bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giá dịch vụ tư vấn cho các tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, tham gia bồi dưỡng phát triển các kỹ năng cần thiết cho người học; giá các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo).
2. Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này.
3. Kiểm định chất lượng giáo dục tại Nghị định này bao gồm kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, kiểm định chất lượng giáo dục đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (sau đây gọi tắt là kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước) hoặc theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam (sau đây gọi tắt là kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài).
Điều 4. Quản lý nhà nước về giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo:
a) Hướng dẫn quy trình và xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xác định học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo áp dụng chung trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo phân cấp quản lý;
b) Quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thuộc danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn ngân sách trung ương theo lĩnh vực quản lý được phân cấp; quyết định giá đặt hàng dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thuộc danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách trung ương theo phạm vi quản lý được phân cấp.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí hoặc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với ngành nghề chuyên môn đặc thù; quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo từ nguồn ngân sách trung ương; quyết định giá đặt hàng dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thuộc danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách trung ương đối với các dịch vụ thuộc phạm vi quản lý được phân cấp.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với các dịch vụ chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương; quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; quyết định giá đặt hàng dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thuộc danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung hoặc mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý để áp dụng tại địa phương.
4. Thủ trưởng cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện công khai, minh bạch, giải trình với xã hội về căn cứ, phương pháp xác định, tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với các dịch vụ do đơn vị xác định mức giá, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Điều 5. Nguyên tắc xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
1. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm.
Điều 6. Phương pháp định giá và thẩm quyền định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Phương pháp định giá và cơ quan có thẩm quyền định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 7. Lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
1. Lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Học phí thực hiện theo lộ trình tính đủ chi phí quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định này.
3. Căn cứ chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu được chủ động thực hiện lộ trình tính đủ chi phí vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo tương xứng với chất lượng giáo dục, đào tạo; đồng thời phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Last updated