Chương II ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ TIẾP NHẬN LƯU HỌC SINH
Điều 5. Điều kiện về học vấn, chuyên môn
1. Lưu học sinh vào học chương trình trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam quy định tại Luật Giáo dục của Việt Nam đối với từng cấp học và trình độ đào tạo.
2. LHS vào học tập tại ĐHĐN và các đơn vị thành viên phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt theo quy định đối với từng trình độ đào tạo và chương trình đào tạo.
3. LHS đăng ký học tập, nghiên cứu, thực tập bằng ngôn ngữ khác mà cơ sở giáo dục được phép sử dụng trong đào tạo cần đạt yêu cầu về trình độ ngôn ngữ đó theo quy định cụ thể của từng chương trình. LHS là người bản ngữ (của ngôn ngữ sử dụng trong học tập, nghiên cứu, thực tập) hoặc đã tốt nghiệp phổ thông, cao đẳng, đại học hoặc thạc sĩ, tiến sĩ bằng ngôn ngữ đó thì được miễn yêu cầu về ngoại ngữ.
4. Lưu học sinh vào học các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn đã được thỏa thuận giữa ĐHĐN hoặc các đơn vị thành viên ĐHĐN với phía gửi đào tạo hoặc theo hợp đồng đào tạo đã ký kết.
5. LHS vào thực tập chuyên ngành phải đáp ứng các điều kiện về học vấn và chuyên môn theo yêu cầu của đơn vị tiếp nhận thực tập sinh.
6. LHS vào học các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc, thể dục thể thao) ngoài những điều kiện quy định tại Điều này còn phải đạt các yêu cầu của các kỳ thi hoặc kiểm tra về năng khiếu theo quy định của đơn vị tiếp nhận.
Điều 6. Điều kiện về sức khỏe và tuổi
1. LHS phải có đủ sức khỏe để học tập tại Việt Nam. Sau khi đến Việt Nam, LHS phải kiểm tra lại sức khỏe tại cơ sở y tế do đơn vị tiếp nhận và phục vụ LHS của Việt Nam chỉ định. Trường hợp mắc các bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam hoặc không đủ sức khỏe để học tập thì LHS phải về nước.
2. Điều kiện về tuổi đối với LHS Hiệp định thực hiện theo các Hiệp định, Thỏa thuận của Việt Nam ký kết với các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.
3. Không hạn chế tuổi đối với LHS học bổng khác và LHS tự túc.
Điều 7. Thủ tục nhập học
1. Lưu học sinh nộp 01 bộ hồ sơ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh đến ĐHĐN trước thời gian nhập học ít nhất 02 tháng.
2. Hồ sơ nhập học gồm:
a. Phiếu đăng ký (Phụ lục I);
b. Bản sao, bản dịch có xác nhận hoặc chứng thực văn bằng, kết quả học tập theo quy định đối với từng cấp học, trình độ đào tạo của cơ quan có thẩm quyền của nước gửi đào tạo;
c. Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền của nước gửi đào tạo hoặc cơ sở y tế cấp tỉnh, thành phố hoặc Trung ương của Việt Nam chứng nhận đủ sức khỏe để học tập được cấp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
d. Bản sao hợp lệ chứng chỉ trình độ tiếng Việt do cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc chứng chỉ quốc tế về ngôn ngữ sẽ sử dụng để học tập tại Việt Nam (nếu có);
e. Bản sao, bản dịch có xác nhận hoặc chứng thực giấy khai sinh;
f. Bản sao giấy tờ minh chứng về tài chính đảm bảo cho học tập, nghiên cứu và sinh hoạt tại Việt Nam;
g. Đề cương nghiên cứu (đối với nghiên cứu sinh) hoặc kế hoạch thực tập (đối với thực tập sinh);
h. Thư giới thiệu của 02 nhà khoa học cùng lĩnh vực nghiên cứu có trình độ tiến sĩ (đối với nghiên cứu sinh);
i. Bản sao hợp lệ các tài liệu, chứng chỉ về năng khiếu, chuyên môn, thành tích nghiên cứu,… (nếu có);
k. Bản sao hộ chiếu có thời hạn sử dụng cho toàn bộ thời gian học tập tại Việt Nam hoặc ít nhất 01 năm kể từ ngày dự kiến đến Việt Nam;
l. 04 ảnh 4x6 chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ (ảnh chụp với phông trắng);
m. Các giấy tờ khác theo yêu cầu của đơn vị tiếp nhận và chương trình đào tạo;
Điều 8. Quy trình tiếp nhận
1. Đối với lưu học sinh học bổng Hiệp định:
a) Căn cứ thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đối với LHS diện Hiệp định, dựa trên bậc học và ngành học đăng kí, ĐHĐN thông báo cho đơn vị tiếp nhận làm thủ tục tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ cho LHS.
b) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của ĐHĐN, đơn vị tiếp nhận trực tiếp xét tuyển theo Điều 5, Điều 6, Điều 7 Quy chế này, sau đó thông báo kết quả đến ĐHĐN;
c) Căn cứ trên công văn trả lời của đơn vị tiếp nhận, ĐHĐN ra quyết định tiếp nhận trong trường hợp đơn vị thành viên đồng ý tiếp nhận LHS và báo cáo đến Bộ GD&ĐT;
d) LHS vào học dự bị tiếng Việt đến nhập học trước ngày 30 tháng 9 hằng năm. LHS vào học trình độ đại học đến nhập học trước ngày 05 tháng 9 hằng năm;
LHS vào học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh (đã đạt trình độ quy định về tiếng Việt hoặc ngoại ngữ khác) đến nhập học theo thông báo của ĐHĐN và đơn vị tiếp nhận LHS.
2. Đối với LHS học bổng khác và LHS tự túc đến Việt Nam học tập, nghiên cứu và thực tập ở các trình độ khác nhau tại ĐHĐN và các đơn vị thành viên, việc tiếp nhận thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo được ký kết giữa đơn vị tiếp nhận với LHS hoặc tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng cho LHS. Các đơn vị thành viên có trách nhiệm xét tuyển LHS đến học tập, nghiên cứu và thực tập tại đơn vị và trình ĐHĐN ra quyết định tiếp nhận.
Điều 9. Quy trình tiếp nhận đối với LHS Lào
1. Học tiếng Việt
a) Đối với lưu học sinh học bổng Hiệp định:
Căn cứ thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đối với LHS diện Hiệp định, ĐHĐN thông báo cho Trường Đại học Sư phạm làm thủ tục tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ cho LHS. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của ĐHĐN, Trường Đại học Sư phạm trực tiếp xét tuyển theo Điều 5, Điều 6, Điều 7 Quy chế này, sau đó thông báo kết quả và trình ĐHĐN ra Quyết định tiếp nhận;
b) Đối với LHS diện tự túc:
Căn cứ trên thỏa thuận giữa ĐHĐN và các địa phương tại Lào cử LHS sang học hoặc hồ sơ xin học của thí sinh tự do, ĐHĐN thông báo cho Trường Đại học Sư phạm làm thủ tục tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ cho LHS. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của ĐHĐN, Trường Đại học Sư phạm trực tiếp xét tuyển theo Điều 5, Điều 6, Điều 7 Quy chế này, sau đó thông báo kết quả và trình ĐHĐN ra Quyết định tiếp nhận;
2. Học chuyên ngành
a) Căn cứ kết quả thi tiếng Việt, Trường Đại học Sư phạm lập danh sách các LHS đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt có nguyện vọng học chuyên ngành kèm thông tin ngành học đăng kí gửi về ĐHĐN để ĐHĐN xem xét, ra quyết định nhập học chuyên ngành cho LHS Lào về từng đơn vị giáo dục thành viên;
b) Đối với LHS đã có chứng chỉ tiếng Việt theo Điểm d, Điều 7 của Quy chế này và thời gian tốt nghiệp không quá 02 năm tính từ ngày được cấp bằng, ĐHĐN trực tiếp xét tuyển, ra quyết định tiếp nhận, và thông báo cho đơn vị tiếp nhận làm thủ tục tiếp nhận LHS;
c) LHS đã có chứng chỉ tiếng Việt theo Điểm d, Điều 7 của Quy chế này và thời gian tốt nghiệp trên 02 năm tính từ ngày được cấp bằng thì phải tham gia kiểm tra trình độ tiếng Việt tại Trường Đại học Sư phạm. Nếu đạt yêu cầu và có giấy xác nhận đủ trình độ tiếng Việt để học chuyên ngành do Trường Đại học Sư phạm cấp thì LHS mới được ĐHĐN xét tuyển, ra quyết định nhập học và thông báo cho đơn vị tiếp nhận làm thủ tục tiếp nhận LHS;
d) LHS đạt yêu cầu theo điều 10 quy chế này được ĐHĐN xét tuyển, ra quyết định nhập học và thông báo cho đơn vị tiếp nhận làm thủ tục tiếp nhận LHS.
Last updated