Chương III NỘI DUNG, CÁCH THỨC TỔ CHỨC VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG TRONG SINH VIÊN TRƯỜNG ĐHNN
Điều 7. Nội dung các HĐCĐ
1. Các hoạt động tình nguyện có tính truyền thống
a) Các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như tham gia các chiến dịch tình nguyện, chương trình tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường, các hoạt động tư vấn tuyển sinh, hoạt động nhân đạo/từ thiện, hoạt động bảo vệ môi trường; tham gia các đội hình tình nguyện gắn với chuyên môn được đào tạo;
b) Chăm sóc các đối tượng chính sách, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh nhân nghèo, các đối tượng yếu thế khác trong xã hội và các hoạt động khác có tính chất tương tự;
c) Trực tiếp tham gia các hoạt động cứu trợ thiên tai, vận động quyên góp hoặc trực tiếp đóng góp giúp đỡ người dân tại các vùng xảy ra thiên tai hoặc địa phương khó khăn;
d) Tham gia các hoạt động phục vụ cho sự phát triển hoặc các nhiệm vụ chung của Trường, phục vụ lợi ích của sinh viên do Trường xây dựng/đề xuất.
2. Các hoạt động mang tính chuyên môn, học thuật.
Tham gia các hoạt động mang tính học thuật hoặc trang bị kiến thức, phát triển kỹ năng, hoạt động ngoại khóa khác đem lại lợi ích chung cho xã hội, cho tập thể đồng thời có lợi ích cho bản thân sinh viên (các hội thảo, hội nghị, khóa tập huấn…).
Điều 8. Tổ chức các HĐCĐ
1. Lập kế hoạch tổ chức
a) Quy định chung
- Kế hoạch tổ chức các HĐCĐ được Nhà trường chủ trì xây dựng và công bố vào đầu năm học, được điều chỉnh bổ sung vào đầu mỗi học kỳ. Các hoạt động phát sinh trong năm học cần được thông báo rộng rãi đến sinh viên trước khi tổ chức thông qua các kênh thông tin khác nhau (website, mạng xã hội…);
- Kế hoạch cần nêu rõ được mục đích, ý nghĩa, nội dung hoạt động, thời gian và địa điểm tổ chức; đơn vị tổ chức; quy mô và đối tượng sinh viên tham gia;
- Việc xây dựng kế hoạch tổ chức các HĐCĐ cần lưu ý đến các yêu cầu về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo các quy định hiện hành.
b) Đối với các hoạt động do ĐHĐN tổ chức
- Các hoạt động do ĐHĐN tổ chức bao gồm các hoạt động do các tổ chức, đoàn thể cấp ĐHĐN (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên…), các đơn vị chức năng của ĐHĐN được giao chủ trì hoặc phối hợp tổ chức;
- Lãnh đạo các đơn vị được giao chủ trì tổ chức hoạt động tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với các đơn vị khác trong và ngoài ĐHĐN, đảm bảo các điều kiện (cơ sở vật chất tài chính và các điều kiện khác) tốt nhất để hoạt động diễn ra đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao nhất;
- Các kế hoạch phải được báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo ĐHĐN trước khi triển khai;
- Thông báo rộng rãi đến các đơn vị về nội dung kế hoạch. Đơn vị chủ trì hoạt động cấp giấy chứng nhận/ hoặc các hình thức có giá trị khác để xác nhận/đánh giá việc tham gia của sinh viên.
c) Đối với các hoạt động do Trường ĐHNN tổ chức
- Các hoạt động này bao gồm các hoạt động do đơn vị tổ chức hoặc các tổ chức, đoàn thể (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên…), các khoa, phòng, trung tâm…thuộc Trường được giao chủ trì hoặc phối hợp tổ chức;
- Trường ĐHNN căn cứ kế hoạch tổ chức hoạt động cấp ĐHNN để xây dựng kế hoạch đảm bảo cả về số lượng, chất lượng của hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi nhất để đông đảo sinh viên được tham gia;
- Trường ĐHNN xây dựng kế hoạch, phân cấp quản lý và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai hoạt động;
- Các kế hoạch phải được thông báo rộng rãi đến toàn thể sinh viên hoặc các đối tượng sinh viên có liên quan trước khi tổ chức;
- Tùy tính chất, quy mô của hoạt động, khuyến khích đơn vị chủ trì tổ chức cấp giấy chứng nhận hoặc các hình thức đánh giá, nhận xét cho những sinh viên tham gia hoạt động;
- Trường ĐHNN có thể triển khai kế hoạch hoạt động đến sinh viên của các đơn vị khác trong cùng ĐHĐN, tuy nhiên trước khi triển khai cần có thông tin và nội dung phối hợp cụ thể để đảm bảo quản lý được sinh viên tham gia và tính hiệu quả của chương trình/hoạt động đó.
d) Đối với các hoạt động do các đơn vị bên ngoài Trường ĐHNN tổ chức
- Nếu là hoạt động phối hợp với Trường thì Trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai;
- Nếu là hoạt động do đơn vị ngoài độc lập tổ chức thì kế hoạch do đơn vị tổ chức xây dựng và triển khai. Sinh viên tham gia có trách nhiệm tìm hiểu về chương trình và chủ động liên hệ đơn vị tổ chức để được cấp các giấy chứng nhận tham gia hoạt động để nộp lại nhà trường.
2. Tổ chức cho sinh viên đăng ký tham gia các HĐCĐ
a) Trong từng trường hợp cụ thể, Trường ĐHNN tổ chức hoạt động có thể thông báo để sinh viên đăng ký trực tiếp hoặc phân cấp xuống các đơn vị thuộc, trực thuộc Trường để cùng phối hợp cho sinh viên đăng ký;
b) Các HĐCĐ có số lượng sinh viên đăng ký tham gia vượt quá quy mô tổ chức, ưu tiên cho sinh viên đăng ký trước và sinh viên năm cuối chưa đạt chuẩn HĐCĐ toàn khóa.
3. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Trường triển khai tổ chức thực hiện các HĐCĐ theo kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 9. Quy định về cách tính điểm quy đổi các nhóm HĐCĐ
Cách tính điểm quy đổi các nhóm HĐCĐ được nêu trong Phụ lục của Quy định này. Trong đó:
1. Tùy theo mức độ đóng góp của sinh viên vào từng hoạt động mà có số điểm đánh giá tương ứng trong khung điểm quy định.
2. Mỗi hoạt động tham gia chỉ được tính điểm một lần.
3. Điểm tích luỹ toàn khoá là tổng điểm của tất cả các năm học.
4. Các HĐCĐ không được quy định tại Phụ lục kèm theo Quy định này sẽ do lãnh đạo Phòng Công tác Sinh viên xem xét, đề xuất với lãnh đạo Trường ĐHNN quyết định.
Điều 10. Đánh giá kết quả tham gia HĐCĐ
1. Việc cấp chứng nhận/đánh giá kết quả tham gia của sinh viên trong từng hoạt động cụ thể
a) Đối với các HĐCĐ do Trường ĐHNN tổ chức: Đơn vị được giao chủ trì có trách nhiệm đánh giá kết quả HĐCĐ, cấp các chứng nhận/đánh giá quá trình tham gia của sinh viên chậm nhất 14 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc HĐCĐ.
b) Đối với các HĐCĐ do đơn vị bên ngoài Trường ĐHNN độc lập tổ chức: việc cấp giấy chứng nhận do đơn vị tổ chức hoạt động quy định.
2. Tổ chức đánh giá và lưu trữ kết quả tham gia các HĐCĐ của sinh viên
Đơn vị được giao chủ trì có trách nhiệm quy định cụ thể về quy trình tổ chức đánh giá, lưu trữ kết quả tham gia các HĐCĐ của sinh viên. Kết quả đánh giá có thể lưu trữ dạng bản giấy hoặc trên hệ thống phần mềm quản lý sinh viên của đơn vị và lưu trong hồ sơ sinh viên.
3. Cuối mỗi năm học, các đơn vị cần tổ chức hoặc lồng ghép tổ chức tổng kết để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức HĐCĐ của sinh viên.
Last updated