Chương II LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC GIẢNG DẠY
Điều 10. Kế hoạch giảng dạy và học tập
1. Trường tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ.
a) Khóa học là thời gian thiết kế để sinh viên hoàn thành một chương trình đào tạo cụ thể. Thời gian đào tạo trình độ đại học được quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
b) Một năm học có 02 hoặc 03 học kỳ chính với tổng số tối thiểu 30 tuần lên lớp. Ngoài các học kỳ chính, Trường có thể tổ chức thêm học kỳ phụ.
2. Kế hoạch đào tạo của khóa học và từng học kỳ thể hiện trong khung chương trình đào tạo đã được Hiệu trưởng phê duyệt, được công bố công khai trên các tài liệu in và trang mạng của Trường. Kế hoạch học kỳ bao gồm kế hoạch mở lớp, hình thức dạy và học (trực tiếp hoặc trực tuyến), lịch học, lịch thi của các học phần được tổ chức trong học kỳ cho các khoá học, chương trình đào tạo và hình thức đào tạo. Sự thay đổi về chương trình, kế hoạch đào tạo phải được thực hiện theo quy định hiện hành của Trường, được Hiệu trưởng phê duyệt và cập nhật ở trang mạng thông tin đào tạo. Trước mỗi năm học, Trường xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết trong mỗi học kỳ của năm học và công bố công khai ở trang mạng thông tin đào tạo, bảng kế hoạch đào tạo và các bảng thông báo.
3. Thời khoá biểu thể hiện thời gian, địa điểm, hoạt động dạy và học của từng lớp thuộc các khoá học, hình thức và chương trình đào tạo và được công bố trước mỗi học kỳ hoặc trước mỗi đợt học. Thời khóa biểu của các lớp học phần bình thường được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Trong trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung, số giờ giảng đối với một học phần bất kỳ không vượt quá 15 giờ/tuần và 4 giờ/ngày.
Điều 11. Đăng ký nhập học
1. Để được nhận vào học tại Trường sinh viên phải nộp cho trường đầy đủ những giấy tờ theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học hiện hành đã được ghi chi tiết trong giấy báo nhập học.
Tất cả những giấy tờ trên phải được xếp vào túi hồ sơ của từng cá nhân do phòng Công tác Sinh viên quản lý.
2. Sau khi xem xét thấy đủ điều kiện nhập học, căn cứ vào danh sách trúng tuyển và quyết định xếp ngành của Đại học Đà Nẵng, Trường tiến hành xếp lớp sinh hoạt và cấp cho sinh viên:
a) Thẻ sinh viên (trong đó có mã sinh viên và mã này chỉ cấp một lần để sử dụng trong suốt khoá học);
b) Sổ tay sinh viên: trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin về nội dung và kế hoạch học tập toàn khoá của các chương trình đào tạo, quy chế đào tạo, nghĩa vụ và quyền lợi của người học;
3. Mọi thủ tục đăng ký nhập học phải được hoàn thành trong thời hạn quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học hiện hành.
4. Sinh viên nhập học được Trường cung cấp đầy đủ các thông tin về mục tiêu, nội dung và kế hoạch học tập của các chương trình, quy chế đào tạo, nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên.
Điều 12. Sắp xếp sinh viên vào học các chương trình hoặc ngành đào tạo
1. Trường tuyển sinh theo ngành học. Thí sinh đạt điểm xét tuyển quy định đối với ngành học mà mình đã đăng ký thì được xếp vào học theo đúng nguyện vọng.
2. Đối với ngành có phân chuyên ngành, sinh viên đăng ký học chuyên ngành theo quy định của Trường đối với từng ngành đào tạo.
Điều 13. Tổ chức đăng ký học tập
1. Ở học kỳ đầu tiên của khoá học, sinh viên học theo thời khoá biểu do Trường định sẵn. Từ học kỳ thứ hai trở đi, mỗi sinh viên phải tự xác định và đăng ký khối lượng học tập trong mỗi học kỳ phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân.
2. Bắt đầu mỗi học kỳ, từng sinh viên với sự hướng dẫn của cố vấn học tập phải đăng ký học các học phần dự định sẽ học trong học kỳ, gồm: những học phần mới, một số học phần chưa đạt (để học lại) và một số học phần đã đạt (để cải thiện điểm, nếu có) căn cứ danh sách học phần được mở và điều kiện đăng ký của mỗi học phần.
3. Khối lượng học tập tối thiểu: trong mỗi học kỳ sinh viên phải đăng ký học tối thiểu theo quy định khối lượng học tập từng học kỳ trong khung chương trình đào tạo của từng ngành/chuyên ngành như sau:
a) Không ít hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn cho mỗi học kỳ chính (kể cả học phần học lần đầu và học lần thứ hai trở đi);
b) Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với sinh viên ở học kỳ hè;
c) Không chấp nhận những trường hợp sinh viên không đăng ký đủ khối lượng học tập tối thiểu theo quy định trong một học kỳ.
4. Khối lượng học tập tối đa: trong mỗi học kỳ sinh viên được đăng ký học tối đa theo quy định khối lượng học tập từng học kỳ trong khung chương trình đào tạo của từng ngành/chuyên ngành không vượt quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn.
5. Việc đăng ký các học phần sẽ học cho từng học kỳ phải đảm bảo điều kiện tiên quyết, học trước và song hành của từng học phần và trình tự học tập của mỗi chương trình cụ thể.
6. Thời gian đăng ký khối lượng học tập của học kỳ là trong vòng 4 tuần trước khi bắt đầu mỗi học kỳ chính và trong vòng 2 tuần trước khi bắt đầu học kỳ hè.
Điều 14. Bổ sung hoặc rút bớt các học phần sau khi đăng ký
1. Việc đăng ký học thêm hoặc đăng ký học đổi sang học phần khác khi không có lớp, chỉ được chấp thuận trong tuần học đầu tiên của học kỳ chính hoặc học kỳ hè.
2. Việc rút bớt học phần so với khối lượng đã đăng ký chỉ được chấp nhận trong tuần học đầu tiên của học kỳ chính và không chấp nhận đối với học kỳ hè. Ngoài thời hạn trên, các học phần vẫn được giữ nguyên như đã đăng ký. Sinh viên phải đóng học phí cho tất cả các học phần đó. Nếu sinh viên không tham gia học sẽ được xem như tự ý bỏ học và phải nhận điểm F, trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 17 của Quy chế này.
3. Việc xin bổ sung hoặc rút bớt khối lượng các học phần đã đăng ký ở đầu mỗi học kỳ được giải quyết trên cơ sở các điều kiện sau:
a) Sinh viên phải tự viết đơn gửi Phòng Đào tạo của Trường.
b) Không vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 13 của Quy chế này.
Chỉ sau khi giảng viên phụ trách nhận được thông báo của Phòng Đào tạo, sinh viên mới được phép đến dự hoặc bỏ lớp đối với các học phần xin học thêm hoặc rút bớt.
4. Trường sẽ hủy các lớp học phần không đủ số lượng sinh viên tối thiểu sau khi kết thúc thời gian đăng kí tín chỉ. Sinh viên ở các lớp học phần bị hủy liên hệ phòng Đào tạo để chuyển sang các lớp học phần còn chỗ trống.
Điều 15. Đăng ký học lại và học cải thiện điểm
1. Đăng ký học lại:
a) Sinh viên có học phần bắt buộc bị điểm F phải đăng ký học lại học phần đó ở một trong các học kỳ tiếp theo cho đến khi đạt điểm A, B, C hoặc D.
b) Sinh viên có học phần tự chọn bị điểm F phải đăng ký học lại học phần đó hoặc học đổi sang học phần tự chọn tương đương khác.
2. Đăng ký học cải thiện điểm: Sinh viên đã có điểm học phần đạt, được đăng ký học lại học phần đó để cải thiện điểm. Điểm chính thức của học phần sẽ được tính điểm ở lần cao nhất.
3. Thủ tục đăng ký học lại hoặc đăng ký học cải thiện điểm giống như đăng ký học phần lần đầu.
4. Trong trường hợp sinh viên được tiếp tục học tập trở lại, nếu học phần ở khung chương trình cũ không có trong khung chương trình mới thì sinh viên đăng ký học phần tương đương/thay thế. Trong trường hợp đặc biệt, Hiệu trưởng xem xét quyết định.
Điều 16. Tổ chức giảng dạy và học tập
1. Yêu cầu về tổ chức giảng dạy và học tập:
a) Phát huy năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên, phù hợp với quy định về chế độ làm việc của giảng viên;
b) Phát huy vai trò chủ động đồng thời đề cao trách nhiệm của sinh viên, tạo điều kiện và động lực để sinh viên nỗ lực học tập; giữ vững kỷ cương học đường, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo;
c) Trường tổ chức thanh tra, giám sát nội bộ và có hệ thống cải tiến chất lượng dựa trên thu thập, đánh giá ý kiến phản hồi của người học.
2. Dạy và học trực tuyến:
a) Trường được tổ chức các lớp học trực tuyến sau khi đã ban hành quy định về tổ chức, quản lý đào tạo trực tuyến và đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng trong quản lý, tổ chức đào tạo trực tuyến.
b) Việc đào tạo trực tuyến không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.
c) Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, Trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Việc tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học đối với tất cả các môn học thuộc chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của Trường.
Last updated