Chương V NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC ĐỐI VỚI SINH VIÊN

Điều 29. Nghỉ học tạm thời, thôi học

1. Sinh viên được xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau:

a) Được điều động vào lực lượng vũ trang;

b) Được cơ quan có thẩm quyền điều động, đại diện quốc gia tham dự các kỳ thi, giải đấu quốc tế;

c) Bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế;

d) Vì lý do cá nhân khác nhưng đã phải học tối thiểu 01 học kỳ ở Trường và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật.

Sinh viên muốn nghỉ học tạm thời vì nhu cầu cá nhân thì phải nộp đơn xin phép trong vòng 04 tuần đầu của học kỳ chính. Hiệu trưởng quyết định những trường hợp đặc biệt cụ thể (gia đình có tang, hoả hoạn, thiên tai...).

2. Sinh viên làm đơn xin nghỉ học tạm thời/thôi học có xác nhận của Lãnh đạo Khoa chuyên môn, Phòng Kế hoạch – Tài chính thì gửi đơn tại Phòng Đào tạo để kiểm tra và trình Hiệu trưởng xem xét, quyết định. Khi có quyết định cho phép, sinh viên mới được nghỉ học.

3. Thời gian nghỉ học tạm thời vì nhu cầu cá nhân được tính vào thời gian học chính thức quy định tại Điều 7 của Quy chế này.

4. Sinh viên nghỉ học tạm thời, khi muốn trở lại học tiếp tại trường, phải nộp đơn xin tiếp tục học có xác nhận đồng ý của Lãnh đạo Khoa chuyên môn cho Phòng Đào tạo ít nhất 02 tuần trước khi bắt đầu học kỳ mới.

5. Sinh viên được xin thôi học theo nguyện vọng cá nhân, trừ trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật. Những sinh viên này muốn quay trở lại học phải dự tuyển đầu vào như những thí sinh khác.

Điều 30. Chuyển ngành, chuyển nơi học, chuyển cơ sở đào tạo, chuyển hình thức học

1. Sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác khi có đủ các điều kiện sau:

a) Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này;

b) Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển (phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, điểm trúng tuyển…) của chương trình, ngành đào tạo trong cùng khóa tuyển sinh;

c) Trường có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

d) Được sự đồng ý của Trưởng Khoa chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo và của Hiệu trưởng của trường.

2. Sinh viên được xem xét chuyển Trường khi có đủ các điều kiện sau:

a) Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này;

b) Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khoá tuyển sinh tại nơi chuyển đến;

c) Nơi chuyển đến có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

d) Được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.

3. Sinh viên được xem xét chuyển từ hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học hoặc hình thức đào tạo từ xa của Trường nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định đối với hình thức chuyển đến.

4. Hiệu trưởng trường có sinh viên xin chuyển đến quyết định việc tiếp nhận hoặc không tiếp nhận; quyết định việc học tập tiếp tục của sinh viên, công nhận các học phần mà sinh viên chuyển đến được chuyển đổi kết quả và số học phần phải học bổ sung, trên cơ sở so sánh chương trình đào tạo ở trường sinh viên xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.

5. Trường có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên thủ tục; kiểm tra, xem xét hồ sơ của sinh viên có nhu cầu chuyển ngành, chuyển nơi học, chuyển cơ sở đào tạo, chuyển hình thức học. Hồ sơ đáp ứng các điều kiện theo quy định, Trường ký xác nhận và chuyển hồ sơ về Đại học Đà Nẵng xét duyệt. Căn cứ vào hồ sơ, các điều kiện đảm bảo chất lượng, Đại học Đà Nẵng quyết định cho phép sinh viên được chuyển ngành, chuyển nơi học, chuyển cơ sở đào tạo và chuyển hình thức học.

Danh mục hồ sơ chuyển ngành, chuyển nơi học, chuyển cơ sở đào tạo, chuyển hình thức đào tạo được hướng dẫn tại Phụ lục I.

Điều 31. Trao đổi sinh viên và hợp tác trong đào tạo

1. Trường xây dựng và ban hành quy định về việc công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ làm căn cứ cho phép sinh viên của trường được học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và ngược lại (sau đây gọi là trao đổi sinh viên).

2. Trên cơ sở đánh giá và công nhận lẫn nhau, sinh viên của trường có thể đăng ký thực hiện học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác, nếu được hiệu trưởng của hai cơ sở đào tạo đồng ý với số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác (nếu có) không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

3. Trong hợp tác đào tạo giữa trường và cơ sở đào tạo khác, việc đánh giá và công nhận lẫn nhau số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở phối hợp đào tạo khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

4. Hiệu trưởng quy định chi tiết về điều kiện trao đổi sinh viên, hợp tác đào tạo, công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ cho sinh viên khi thực hiện chương trình đào tạo và công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

Điều 32. Học cùng lúc hai chương trình

1. Trong quá trình học tập, nếu có đủ điều kiện và khả năng, sinh viên có thể đăng ký học thêm một chương trình thứ hai để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng hoặc học thêm các học phần ngoài chương trình quy định để bổ sung kiến thức nhưng chỉ được hưởng các quyền lợi chính thức và được xem xét công nhận tốt nghiệp chương trình thứ hai khi đã đăng ký thành công học chương trình thứ hai theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 01 trong 02 điều kiện sau:

a) Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh;

b) Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

Ngoài ra, sinh viên đăng ký học ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất.

3. Đăng ký khối lượng học tập: Sinh viên bắt buộc phải đăng ký học phần cho mỗi học kỳ chính ở chương trình thứ hai.

4. Đánh giá kết quả và xếp hạng học tập:

a) Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được công nhận kết quả của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất;

b) Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích luỹ của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo; sinh viên sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai;

c) Không sử dụng điểm của các học phần ở chương trình thứ hai thay thế tương đương cho các học phần ở chương trình thứ nhất.

5. Khi học thêm chương trình thứ hai, các chế độ quyền lợi của sinh viên, điểm xét học bổng chỉ được tính đối với chương trình thứ nhất.

6. Nghỉ học tạm thời và buộc thôi học:

a) Sinh viên phải nghỉ học tạm thời ở chương trình thứ hai nếu đang nghỉ học tạm thời ở chương trình thứ nhất;

b) Sinh viên bị buộc thôi học ở chương trình thứ hai nếu thuộc diện thôi học ở chương trình thứ nhất.

7. Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất, quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Quy chế này.

8. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất và đã đăng kí muộn nhất 02 năm trước thời điểm xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.

9. Ngoài trường hợp xin học chương trình thứ hai, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của chuyên ngành khác thuộc cùng ngành đang học hoặc của các ngành khác để bổ sung kiến thức. Khi đăng ký học thêm sinh viên phải đảm bảo khối lượng đăng ký học tối thiểu và tối đa đối với ngành học chính theo quy định. Điểm và khối lượng các học phần đăng ký học thêm không tính vào điểm trung bình chung, trung bình chung tích luỹ của sinh viên trong quá trình học mà sẽ được cung cấp kết quả học tập.

10. Việc học cùng lúc hai chương trình tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng được thực hiện theo Quy định đào tạo chương trình thứ hai giữa các cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng hiện hành.

11. Trường có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên thủ tục; kiểm tra, xem xét hồ sơ của sinh viên có nhu cầu đăng ký học chương trình thứ hai. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, Trường lập tờ trình và chuyển hồ sơ về Đại học Đà Nẵng xét duyệt. Căn cứ vào hồ sơ, các điều kiện đảm bảo chất lượng, Đại học Đà Nẵng quyết định cho phép sinh viên được học chương trình thứ hai.

Quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tuyển học chương trình thứ hai được quy định tại Phụ lục II.

Điều 33. Học liên thông đối với người có văn bằng khác

1. Người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp được dự tuyển và học liên thông lên trình độ đại học theo quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy chế của Đại học Đà Nẵng, của Trường. Trường chỉ được tổ chức tuyển sinh đào tạo liên thông khi có sự ủy quyền của ĐHĐN. Khi tổ chức tuyển sinh và đào tạo liên thông, Trường cần đảm bảo các điều kiện cơ bản: ngành đã được phép mở của cấp có thẩm quyền; chương trình đào tạo đã được thẩm định và ban hành; đã ban hành quy định về công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ của người học được miễn trừ khi thực hiện chương trình đào tạo liên thông.

2. Người đã tốt nghiệp đại học được dự tuyển và học liên thông để nhận thêm một bằng tốt nghiệp đại học của một ngành đào tạo khác, khi cơ sở đào tạo đã áp dụng thống nhất phương thức đào tạo theo tín chỉ và đã tuyển sinh được tối thiểu 03 khóa theo ngành đào tạo và hình thức đào tạo mà người học lựa chọn.

3. Người học liên thông thực hiện chương trình đào tạo và đăng ký học tập theo kế hoạch chung như các sinh viên khác cùng hình thức đào tạo. Trên cơ sở công nhận và chuyển đổi tín chỉ, sinh viên được miễn trừ các học phần tương ứng với những khối lượng học tập đã tích lũy theo quy định tại Điều 23 của Quy chế này.

4. Hiệu trưởng quy định chi tiết điều kiện, thủ tục tiếp nhận học liên thông; việc công nhận, chuyển đổi tín chỉ và miễn trừ học phần cho sinh viên liên thông dựa trên nguyên tắc công bằng, minh bạch với mọi đối tượng, bảo đảm chặt chẽ yêu cầu về chất lượng, áp dụng chuẩn đầu ra chung như đối với những sinh viên khác.

5. Trường đáp ứng các điều kiện theo quy định về đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học theo quy định hiện hành thì lập hồ sơ trình Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) xem xét, quyết định theo Phụ lục III.

Điều 34. Xử lý vi phạm đối với sinh viên

1. Sinh viên có gian lận trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập sẽ bị xử lý kỷ luật đối với từng học phần đã vi phạm theo các quy định của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Sinh viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập 01 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

3. Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, huỷ bỏ.

Last updated